8 tháng 7, 2009

DƯỠNG SINH VỚI VIỆC TỰ XOA TAI

Loa tai nhỏ bé nhưng nó là nơi tụ hội của cả 12 kinh mạch chính. Bởi vậy, theo Đông y, chỉ bằng việc tự dùng các ngón tay của hai bàn tay thực hành các động tác xoa bóp loa tai đều đặn hằng ngày cũng là sự vận động toàn thân, có tác dụng phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe khá độc đáo. Bằng cách thực hiện những động tác sau:
+ Trước hết, xát hai bàn tay vào nhau cho thật ấm rồi dùng lòng bàn tay áp và vò loa tai cả hai bên theo đường tròn từ trước ra sau, từ trên xuống dưới chừng 10 - 20 vòng.
+ Dùng ngón tay cái đặt phía sau, ngón trỏ và ngón giữa đặt phía trước lần lượt xoa xát nhẹ nhàng từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, tất cả các ngóc ngách của loa tai trong 1 phút.
+ Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ véo dái tai, day đi day lại nhiều lần, sau cùng làm động tác kéo dái tai xuống dưới với một lực tương đối mạnh để toàn bộ tai bị kéo xuống dưới, miễn sao không đau là được.
+ Hai bàn tay bịt chặt lỗ tai, dùng ngón trỏ và ngón giữa gõ vào xương chẩm sau đầu 10 lần. Sau đó, các ngón tay ấn chặt vào xương chẩm rồi bàn tay đột nhiên mở tai ra, làm liên tục bịt, mở như vậy 10 lần.
+ Dùng hai ngón tay trỏ đồng thời nút nhẹ vào hai lỗ tai, xoay đi xoay lại 3 lần rồi đột nhiên rút ra thật nhanh, làm như vậy 10 lần.
+ Sau cùng, để cánh tay phải vòng qua đỉnh đầu rồi kéo tai trái lên trên 14 lần, sau đó lại để cánh tay trái vòng qua đỉnh đầu rồi kéo tai phải lên trên 14 lần. Cách tự xoa bóp tai như vậy đơn giản, dễ học, dễ làm và không tốn kém. Mỗi ngày nên thực hiện tối thiểu 2 lần, tốt nhất là vào lúc trước khi đi ngủ và khi tỉnh giấc vào lúc sáng sớm. Điều quan trọng là phải thực hành đều đặn, kiên trì và đúng kỹ thuật. Có như vậy thì mới mong đạt được hiệu quả đánh thức, điều hòa, nâng cao công năng của các tạng phủ, ích thận, bổ não, cải thiện tính lực, phòng chống tích cực bệnh tật, chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ.
*************************************************
TÌM HIỂU VỀ MĂNG TÂY
Ở châu Âu, măng tây được coi là thứ rau "hoàng đế" bởi vì nhiều người cho rằng ăn măng tây và uống rượu vang là một thứ "viagra tự nhiên". Tại TP.HCM, mô hình trồng măng tây mới xuất hiện thời gian gần đây.
Tại Việt Nam, măng tây được nhập về trồng từ thập niên 60 - 70 thế kỷ 20 tại các vùng Đông Anh (Hà Nội), Kiến An (Hải Phòng), Đức Trọng (Lâm Đồng). Măng tây là thực vật một lá mầm, thân thảo, mọc theo dạng cụm. Măng là phần thân mềm mới mọc từ rễ trụ lên chứa những gì ngon bổ nhất của cây. Về dinh dưỡng, măng tây xanh là một loại rau cao cấp có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, gồm 83% nước, 17% chất khô; trong đó có 2,2% đạm protein, 1,2% đường glucid, 2,3% chất xơ celluloze, 21% các chất khoáng như kali, magnê, canxi, sắt, kẽm... Măng tây xanh còn chứa nhiều loại vitamin quan trọng như vitamin K, C, A, Pyridoxine (B6), Riboflavin (B2), Thiamin (B1)... Măng tây xanh nấu canh ăn hoặc sắc lấy nước uống giúp lợi tiểu, phòng ngừa các bệnh đau bàng quang, suy thận hay suy gan mật, tiểu đường, ung thư kết tràng. Măng tây xanh còn có khả năng giúp người lao động trí óc giảm stress, tăng cường sinh lực và sức dẻo dai khi làm việc, chống lão hóa.
Mặc dù xuất hiện khá lâu tại Việt Nam nhưng đối với TP.HCM, mô hình trồng măng tây chỉ mới xuất hiện gần đây và đã đạt được những thành công ngoài mong đợi. Một số hộ trồng măng tây thành công ở Củ Chi như ông Huỳnh Văn Thanh, trồng măng tây trên 2.500m2 tại ấp Lào Táo; ông Nguyễn Văn Đức ở Ấp Đồn, Nguyễn Văn Ô ở Trung Hòa cùng xã Trung Lập Hạ; ông Võ Tuấn Sinh ở ấp 1, xã Phước Vĩnh An...
Với số vốn đầu tư chi dần trong 6 tháng đầu tiên khoảng 100 - 150 triệu đồng/ha, các hộ trồng măng tây ở Củ Chi hiện nay đã có thể thu hoạch năng suất ổn định 80 - 150 kg măng tươi/ngày/ha, với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, doanh thu bình quân trên 400 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng còn thu nhập khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Theo Công ty Cẩm Hon, đơn vị cung cấp giống và bao tiêu măng tây trên địa bàn TP.HCM, mỗi năm các hộ trồng măng có khoảng 200 - 240 ngày thu hoạch và khoảng 125 - 165 ngày nghỉ dưỡng cây. Nông dân Nguyễn Văn Ô, Huỳnh Văn Thanh ở xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi (TP.HCM) xác nhận, mỗi công đất (1.000m2) trong 4 công đất trồng cây măng tây của hai anh đang cho thu hoạch từ 8 - 15 kg măng tây xanh tươi mỗi ngày, người mua đến tận vườn anh thu mua măng tươi với giá 50.000 - 70.000 đồng/kg (loại 1) và 25.000 - 30.000 đồng/kg (loại 2) để đem về phân phối cho các nhà hàng, khách sạn và các chợ trung tâm ở TP.HCM với giá 120.000 - 150.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi ngày hái măng tươi cả hai hộ này đều có thể thu được 200.000 - 300.000 đồng/1.000m2.
Tiến sĩ Trần Viết Mỹ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM khuyến khích: “Măng tây xanh là đối tượng cây trồng mới có thị trường tiêu thụ khá lớn trong và ngoài nước, cho giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho sản xuất nông nghiệp, bước đầu tỏ ra thích nghi sinh trưởng phát triển tốt trên vùng đất Củ Chi, TP.HCM. Việc trồng cây măng tây đơn giản có thể tận dụng được lao động nhàn rỗi, và người lớn tuổi trong nông thôn hiện nay, phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành phố”.


Free VIETNAM MySpace Cursors at www.totallyfreecursors.com
Ų