30 tháng 5, 2009




CỔ KIM KẾT HỢP
Trang Tử yết kiến vua nước Lỗ là Ai Công. Ai Công nói:

- Nước Lỗ của ta có nhiều nho sĩ, song không ai được như tiên sinh.

Trang Tử đáp:

- Tôi lại thấy nước Lỗ rất ít nho sĩ.

Ai Công cả giận mà rằng:

- Khắp nước Lỗ của ta, người mặc áo nho sĩ rất nhiều. Sao ngài lại bảo là ít?

Trang Tử từ tốn trả lời:

- Thần nghe nói nhà nho nào đội mũ tròn thì biết xem thiên văn. Người nào đi giày vuông lại thông tỏ địa lý. Còn ai đeo ngọc quyết trên cổ là biết xử sự, quyết đoán. Bây giờ muốn biết trong số ấy ai là người có thực tài, nhà vua hãy ban một sắc lệnh: Kẻ nào không phải nhà nho thật sự mà ăn mặc như trên thì sẽ bị xử chém.

Nghe lời Trang Tử, Lỗ Ai Công liền ban lệnh đúng như vậy. Chỉ sau ít ngày, cả nước Lỗ không ai dám mặc y phục nhà nho nữa. Duy nhất có một ông lão mặc y phục nhà nho chỉnh tề đến trình diện nhà vua. Lỗ Ai Công liền cho mời vào hỏi việc nước. Quả nhiên ông lão đó học vấn rất uyên thâm, đúng là một nhà nho chân chính.

Lỗ Ai Công thán phục cách thử tài này lắm, bèn hỏi Trang Tử:

- Sao ngài có cách thử tài thần diệu thế? Giúp ta không tốn mấy công sức mà phân biệt được ngay thật giả.

Trang Tử cười mà nói rằng:

- Tâu bệ hạ! Có gì ghê gớm đâu. Thần chỉ học cách làm của một nước láng giềng thôi. Mấy năm vừa qua nước họ cũng xuất hiện nhan nhản tiến sĩ. Nhưng đến khi một quan chức cấp cao yêu cầu đã là tiến sĩ thì phải xuất trình công trình khoa học. Vậy là chỉ có vài chục phần trăm xuất trình được. Số còn lại đều là tiến sĩ mua, tiến sĩ… giấy cả!

Lỗ Ai Công nghe xong liền gật gù:

- Nếu vậy thì ta cũng đỡ xấu hổ. Có điều là đã đến lúc phải thắt chặt lại kỷ cương học tập. Kẻo sẽ di hoạ đồ giả về sau!

* Chuyện đúng quá phải không các bạn. Thuở đời nay cũng lạ, có quá nhiều tiến sĩ, thạc sĩ mà khi đưa cho cuốn SaiGon Times là đọc không được trang nào, chả hiểu mô tê gì sất. Thế mà vẫn hãnh diện...Lấy đâu ra công trình khoa học cho xã hội.

VẪN THẤY BÊN ĐỜI CÒN CÓ EM

VẪN THẤY BÊN ĐỜI CÒN CÓ EM
Vẫn thấy bên đời còn có em.
Tấm lòng em như lá kia còn xanh.
Rừng ơi hãy giữ cho bền nhé,
những cành hoa phai quá không đành.

Vẫn thấy em cười đùa đó đây.
Mái nhà năm xưa tóc em còn bay.
Gặp nhau giây phút trong đời ấy,
nỗi gì bâng khuâng níu chân hoài.

Em đã đến nơi này tựa như cánh én
dịu dàng trao chút hương hoa mùa xuân.
Nhớ gì mà nắng vàng cánh rừng,
thương ai mà sương khuya vội vàng buông.
Chiều nay bên trời xao xuyến,
còn em trong từng nhớ thương.

Mỗi vết thương lành, một nỗi vui.
Mắt cười mênh mông giữa đôi bàn tay,
dù em khẽ bước không thành tiếng.
Cõi đời bao la vẫn ngân dài.

Đây là một trong những ca khúc đẹp nhất viết về giai nhân - một người con gái đẹp, và quan trọng, mang lại sự nhẹ nhàng và thanh thản trong tâm hồn người khác.

Bài hát này Trịnh Công Sơn viết cho bộ phim "pho tượng". Tác phẩm kể về một cô y tá hết lòng cứu chữa một thương binh, khi biết anh là một nhà điêu khắc với khát khao sáng tạo, và đôi tay anh bị bỏng nặng... Bằng tình thương của cô y tá, anh đã được cứu chữa, và tạc nên rất nhiều bức tượng của các đồng đội, anh được sống với niềm đam mê của mình, anh chưa từng được sống như thế... Trong đó, có một bức tượng rất đặc biệt, của cô y tá, bức tượng mà anh đã tạc nên với tất cả lòng biết ơn, và cả một tình yêu nhen nhóm của anh dành cho cô gái. Bức tượng sắp hoàn thành, thì cô gái phải đi, với lời hứa: " Em sẽ quay lại, nhất định em sẽ quay lại để nhìn tượng của mình đẹp như thế nào"

Nhưng, chiến tranh.... Cô gái đã mãi mãi không quay trở lại...

Cô gái đã để lại một khoảng trống quá lớn trong tâm hồn chàng trai. Nhưng, nỗi đau đó không bi lụy, mà nó trong sáng, thánh thiện.

Em đã đến trong cuộc đời anh, rồi em lại ra đi.... Em như thiên sứ đến để xoa dịu vết thương, để anh sống có ý nghĩa, để anh biết mình được sống thật với đam mê.

Trong cuộc sống, việc ta gặp được một người nào đó, mà ta hết lòng yêu thương, rồi lại phải xa, với rất nhiều lý do, nên chăng, hãy coi đó là một chữ duyên. Hãy cảm ơn cuộc đời đã một lần mang họ đến trong cuộc đời ta. Cảm ơn cuộc đời đã cho ta sống những tháng ngày hạnh phúc, dù là ngắn ngủi.

Và ta chợt nhận ra rằng "mỗi vết thương lành một nỗi vui". Ừ, niềm vui có khi giản dị và rưng rưng đến bất ngờ...


Ų